Xã hội ngày càng tiến bộ, vai trò và năng lực của phụ nữ càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị là một trọng những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung, đồng thời là tiền đề để thực thi các quyền con người khác.
Sức mạnh của trao quyền cho phụ nữ
Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), những thành công của Tập đoàn có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của đội ngũ CBNV nữ, đặc biệt trong cả các lĩnh vực mới và khó. Kết quả ấy đến từ một chủ trương trao quyền, tạo cơ hội cho phụ nữ đã được Viettel duy trì nhiều năm qua.
Viettel hiện có khoảng 12 nghìn nữ cán bộ, nhân viên (CBNV) đang làm việc tại 10 quốc gia trên thế giới, chiếm gần 30% quân số toàn Tập đoàn. Tỉ lệ cán bộ nữ Viettel tham gia quản lý các cấp chiếm gần 22% và 36% vị trí quản lý đầu ngành. Đây là con số cao gấp đôi mức trung bình tại các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT-VT trên toàn cầu.
Phụ nữ Viettel đóng góp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của của Tập đoàn: viễn thông trong nước, nước ngoài; giải pháp CNTT, dịch vụ số; sản xuất công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics…góp phần quan trọng trong thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Viettel.
Theo đánh giá của lãnh đạo Viettel, cùng với sự phát triển của Tập đoàn, phụ nữ Viettel hiện nay đã tiến rất gần tới mặt bằng chung toàn cầu. Về mặt chuyên môn, Viettel có rất nhiều chuyên gia hàng đầu là nữ, trong đó nhiều chị em là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt, hơn 10% nữ giới ở Viettel làm việc trong những lĩnh vực mới và khó tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới như an ninh mạng, không gian mạng, nghiên cứu chế tạo thiết bị 5G, thiết bị quốc phòng công nghệ cao…
Nhìn trên góc độ tinh thần phụng sự và cống hiến, phụ nữ Viettel cũng không hề thua kém nam giới. Tất cả những địa bàn khó khăn, tuyến đầu đều có nữ. Đặc biệt, trong quá trình Viettel đầu tư ra nước ngoài, nhất là ở những xa xôi như châu Phi cũng có rất nhiều chị em nữ xông pha, sẵn sàng hi sinh gian khổ.
“Sau hơn 15 năm đầu tư quốc tế, đã có hàng trăm lượt phụ nữ Viettel không quản vất vả, tạm xa gia đình để có mặt tại các thị trường, văn phòng đại diện của Viettel tại khắp các châu lục. Thậm chí có người có con nhỏ nhưng vẫn kiên cường bám trụ “nằm vùng” cả năm trời ở nước ngoài”, người đứng đầu Tập đoàn Viettel chia sẻ.
Theo người đứng đầu Viettel, “bí quyết” của Viettel trong thúc đẩy vai trò của phụ nữ chỉ đơn giản là việc luôn tạo điều kiện, động lực và đặc biệt là trao quyền để chị em phụ nữ có cơ hội phát triển. Đặc biệt Viettel sẽ không có sự phân biệt trong giao nhiệm vụ. Quan điểm của Viettel là sẽ không tách việc này cho phụ nữ, việc kia cho đàn ông mà làm sao phát huy được vai trò của cả hai cùng xây dựng, phát triển Viettel.
“Mỗi lĩnh vực có thuận lợi và khó khăn riêng nhưng Viettel sẽ không nhìn theo hướng phân biệt nam nữ. Phụ nữ và nam giới hiện nay có sự đóng góp như nhau, không chỉ ở Viettel mà ở Việt Nam và trên thế giới đều như vậy cả. Đương nhiên trong mỗi công việc mỗi giới sẽ có thế mạnh riêng, bổ sung cho nhau để tạo nên sức mạnh cộng hưởng của Viettel”, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Cùng với những trọng trách được trao cho phụ nữ, Viettel từ nhiều năm qua cũng cũng có các chính sách quan tâm, chăm lo dành riêng cho chị em. Một số chính sách nổi bật có thể kể đến như gói khám chuyên sâu trong chương trình khám chữa bệnh định kỳ hàng năm; ưu tiên thời gian nghỉ trong ngày cho CBNV có con nhỏ; hỗ trợ kinh phí điều trị hiếm muộn từ 10-30 triệu đồng/trường hợp…
Đặc biệt, chị em Viettel trong thời gian nghỉ thai sản ngoài khoản thu nhập được BHXH chi trả vẫn được Tập đoàn hỗ trợ thêm 40% lương mục tiêu. Bên cạnh đó, vào các dịp 8/3, 20/10, Tập đoàn đều cấp kinh phí, tổ chức nhiều hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện cho lao động nữ…